ĐIỀU GÌ LÀM NÊN MỘT THƯƠNG HIỆU MẠNH?

Có 1 quan niệm sai lầm trong giới kinh doanh trước đây: chỉ các doanh nghiệp lớn mới cần làm thương hiệu, và chỉ có các doanh nghiệp lớn mới có khả năng làm thương hiệu.

Vậy còn những doanh nghiệp nhỏ thì sao, bạn không nghĩ cũng cần làm thương hiệu cho nó à? Nếu không làm thương hiệu thì bao giờ doanh nghiệp nhỏ mới có bước trở mình thành 1 doanh nghiệp lớn. Bởi vậy các doanh nghiệp nhỏ cũng cần làm thương hiệu cho mình, thương hiệu có mạnh, có phát triển thì doanh nghiệp mới mạnh được.Tạo nên một thương hiệu mạnh và giữ gìn được nó không phải là một chuyện dễ dàng.

Sau đây là một vài yếu tố mà bạn nên lưu tâm đến để có thể có một thương hiệu mạnh và bền vững trên thương trường.

Kết quả hình ảnh cho thương hiệu mạnh

1: Sự nhất quán

Đây là yếu tố quan trọng nhất để làm nên một thương hiệu mạnh. Sẽ chẳng có ai tin tưởng doanh nghiệp của bạn nếu như các thông điệp hay các câu slogan bạn đưa ra không nhất quán với nhau cả. Bạn không thể hôm nay quảng cáo sữa ghi là dành cho người gầy mà hôm sau vẫn loại sữa ấy lại ghi dành cho người tiểu đường được.

Dù doanh nghiệp của bạn có thay đổi chiến lược, các chiến thuật kinh doanh thì các giá trị cốt lõi vẫn phải được giữ nguyên, giống như đã ghim sẵn trong đầu khách hàng, sản phẩm của công ty mang lại lợi ích như vậy mà không phải là một sự sáng tạo thừa thãi nào khác.

Sự nhất quán là vô cùng quan trọng để giữ vững vị thế cũng như củng cố thương hiệu trong lòng khách hàng. Nhìn vào các ông lớn như Nike hay Coca Cola. Đó là các điển hình của các thương hiệu mạnh. Thông điệp và truyền tải lời hứa của Nike luôn rõ ràng và nhất quán với nhau trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của doanh nghiệp. Hay như Coca Cola với câu slogan quen thuộc:” luôn luôn là Coca Cola”. Thương hiệu này dù trải qua hàng chục năm vẫn được bảo tồn và trân trọng.Nhắc đến các giá trị bền vững các thương hiệu mạnh người ta luôn phải nhắc đến Coca Cola. Một minh chứng quá rõ cho việc làm thương hiệu nhất quán.

2: Sự đột phá

Đột phá trong suy nghĩ, đột phá để sáng tạo, đột phá để tạo nên sự khác biệt, đột phá để thành công. Thương hiệu mạnh cũng cần những sự đột phá như vậy. Một thương hiệu ”chết ” khi không thể tìm kiếm ở nó bất kỳ một sự sáng tạo nào để ghim vào não người đọc một thông điệp hay một chi tiết dù là nhỏ nhất về doanh nghiệp. Bạn không thể để thương hiệu của mình chết dần chết mòn như vậy.

Khi mà thị trường đang bị bão hòa bởi số lượng thương hiệu lên đến con số hàng vạn, thì ” khác biệt hoặc là chết” đó là câu mà bạn nên ghi nhớ. Sự đột phá này không phải ai cũng có thể làm được, nó chỉ chọn những ai dám nghĩ dám làm và có tầm nhìn rộng hơn. Một sản phẩm bạn tạo ra hoàn toàn có thể trở thành một xu hướng tác động đến nhận thức xã hội. Apple đã tạo nên một văn hóa trong cộng đồng những người chỉ chuyên sử dụng iphone. Đây là một thương hiệu điện thoại khó có thể bị đánh bại vì đã bén rễ vào trong tiềm thức của giới trẻ trở thành một trào lưu, một xu hướng.

Những doanh nghiệp muốn đột phá thường giống như là đặt cược trong một ván bài ” được ăn cả, ngã về không” sự rủi ro rất lớn khi nghiên cứu một sản phẩm mới làm người tiên phong cho thị trường. Thông thường những thương hiệu sản phẩm này sẽ không thể gây được tiếng vang ngay từ lúc đầu mà cứ từ từ ngấm vào suy nghĩ của khách hàng thông qua truyền thông hoặc các hình thức truyền miệng và tác động tới công chúng.

Đôi khi một thương hiệu đến sau tạo nên sự đột phá cũng sẽ khiến thương hiệu đó trở thành người dẫn đầu về dòng sản phẩm đó như Duracell hay Evian.

Pepsi cũng là một điển hình của đột phá thương hiệu. Khi thị trường nước có ga đã tồn tại ông lớn Coca muốn chiếm một miếng bánh của thị trường Pepsi đã sáng tạo một tính cách thương hiệu hoàn toàn khác biệt với Coca để chia chác thị phần còn lại.

3: Sự tập trung

Đây là một câu hỏi về sự định vị thương hiệu trong lòng khách hàng. Khi mà một doanh nghiệp có quá nhiều sản phẩm mang rất nhiều thương hiệu khác nhau thì sự tập trung là vô cùng cần thiết. Thông thường các doanh nghiệp thường nghĩ tới việc mở rộng ra thương hiệu của doanh nghiệp để bành trướng thị trường mà không có ý định xem xét lại xem có thương hiệu nào cần phải loại bỏ.

Một doanh nghiệp có quá nhiều thương hiệu có tính cách phức tạp thì rất dễ khiến khách hàng bị nhầm lẫn từ đó dẫn đến sự không tin tưởng vào doanh nghiệp. Cắt bớt nguồn lực không cần thiết để tập trung vào thương hiệu cốt lõi sẽ là một nước cờ hay để định vị thương hiệu trong lòng khách hàng. Sự thừa thãi sẽ không thể tạo nên một thương hiệu mạnh, vì khách hàng sẽ không dành quá nhiều thời gian quý báu của họ để ghi nhớ thương hiệu của bạn.

Kết: Hãy làm thương hiệu cho dù doanh nghiệp của bạn lớn hay nhỏ. Và muốn tạo nên một thương hiệu mạnh thì 3 yếu tố ở trên sẽ là chìa khóa cho bạn, là ngọn đuốc soi sáng cho bạn. Nhìn vào nó và dẫn doanh nghiệp của bạn đi đúng hướng nhé.